< Nguồn: Quách Đại Ninh - Báo nongnghiep.vn>
Cuối tháng 5 vừa qua, tôi có dịp đi thực tế hiện trường cùng đoàn đánh giá công nhận mở rộng vùng trồng mới cho một số giống cây dược liệu lấy tinh dầu (tràm trà và tràm năm gân) của Bộ NN-PTNT tại 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Quảng Nam.
Dẫn đoàn trong những ngày đi đánh giá tại hiện trường là anh bạn trẻ tuổi tên Dư, là cán bộ nghiên cứu của Viện Cải thiện giống và Phát triển nông thôn. Dư say sưa giới thiệu với chúng tôi về các giống mới được đưa vào trồng trong các khảo nghiệm, về năng suất và chất lượng tinh dầu của từng giống. Anh cũng cung cấp cho chúng tôi những thông tin về nhu cầu và giá cả của từng loại tinh dầu trên thị trường trong nước và thế giới qua các mốc thời gian…
Ảnh vợ chồng anh Dư, Giám đốc HTX dược liệu Đông Sơn (tại phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm)
Anh kể về cơ duyên gắn bó với hai loài cây dược liệu này ngay từ những ngày đầu mới ra trường. Ngày ấy, anh được gặp GS.TS Lê Đình Khả và được ông nhận vào làm cộng tác viên cho đề tài “Nghiên cứu chọn giống, kỹ thuật trồng và chế biến tràm có năng suất và chất lượng tinh dầu cao” do Viện Cải thiện giống và Phát triển nông thôn thực hiện. Kể từ đó đến nay, anh vẫn tiếp tục tham gia nghiên cứu, mở rộng vùng trồng các giống mới được chọn tạo của hai loài cây này.
Đến TP Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) vào thời điểm trời sắp có mưa to. Anh Dư dẫn chúng tôi đến vườn cây là mô hình trồng khảo nghiệm các giống cây tràm trà nằm lọt thỏm giữa các trang trại trồng bạt ngàn những cây đào cảnh. Chúng tôi tranh thủ đo đếm và đánh giá nhanh tại hiện trường sau đó đến thăm HTX Dược liệu Đông Sơn.
Tiếp chúng tôi tại phân xưởng chưng cất và chế biến các sản phẩm từ tinh dầu tràm là một phụ nữ còn trẻ. Chị giới thiệu HTX của chị hiện đang sản xuất tinh dầu được chưng cất từ cành và lá cây tràm trà và tràm năm gân. Ngoài sản phẩm tinh dầu tràm, HTX của chị còn sản xuất dầu gội đầu và xà phòng thơm hương tràm. Tất cả các sản phẩm của HTX đều được kiểm nghiệm đảm bảo đạt Tiêu chuẩn quốc gia. Hiện tại, các sản phẩm của HTX đã được UBND tỉnh Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Kể về câu chuyện khởi nghiệp, chị quản lý HTX tinh dầu chia sẻ thêm, trước đây chị làm kế toán ở Hà Nội, thu nhập khá ổn định. Ở trên đó các con của chị có điều kiện đi học tốt hơn. Nhưng kể từ năm 2020, chị quyết định rời Hà Nội để về quê giúp chồng quản lý HTX dược liệu mới được anh thành lập. Vừa nói chị vừa đưa mắt về phía anh bạn trẻ trong đoàn chúng tôi. Thật thú vị, chồng chị - vị Giám đốc HTX tinh dầu Đông Sơn lại chính là anh cán bộ nghiên cứu đã dẫn đoàn chúng tôi đi trong suốt những ngày qua. Đôi vợ chồng trẻ đã bỏ phố về quê, quyết tâm khởi nghiệp bắt đầu từ việc trồng và chế biến tinh dầu tràm.
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi kiểm tra, đánh giá tại hiện trường một số giống cây tràm để công nhận mở rộng vùng trồng
Anh Dư cho biết sau nhiều năm tham gia nghiên cứu các giống cây tràm trà và tràm năm gân, anh cũng đồng thời tìm hiểu về thị trường và giá trị thương mại của các loại sản phẩm tinh dầu tràm cũng như các công nghệ chưng cất, chế biến. Khi đã có đủ kiến thức, anh chị quyết định đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và thành lập HTX tại quê nhà.
Hiện tại, anh chị đã phát triển được trên 9ha trồng cây tràm năm gân. Anh cho biết sắp tới sẽ phát triển thêm diện tích trồng tràm trà vì tinh dầu của loài cây này có giá trị cao hơn và thị trường thế giới ưa chuộng. Anh chị mong muốn trong tương lai gần sẽ mở rộng diện tích trồng tràm lên 50 – 60ha. Khi đó sẽ mở rộng, nâng cấp thêm nhà xưởng. Hiện tại HTX dược liệu đã góp phần giải quyết được công ăn việc làm cho gần 30 lao động là người dân địa phương.
Sau khi dẫn chúng tôi đi giới thiệu dây chuyền chưng cất tinh dầu và các các sản phẩm từ tinh dầu, anh giám đốc HTX dược liệu đưa chúng tôi ra phía sau phân xưởng và chỉ vào đống cành lá tràm sau chưng cất được loại ra chất cao như núi. Anh cho biết đó là sản phẩm cuối cùng của HTX, tất cả sẽ được chế biến thành phân bón để cung cấp cho thị trường.
Anh cho biết thêm, cây tràm trà và tràm năm gân chỉ cần trồng một lần nhưng có thể thu hoạch liên tục trong vòng 25 năm. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể được sử dụng từ thân, cành và lá, không bỏ đi bất cứ thứ gì. Nếu thị trường ổn định, thu nhập từ trồng tràm sẽ cao hơn nhiều so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Chính vì vậy, nhiều hộ dân quê anh đã tìm đến HTX của vợ chồng anh đề nghị giúp chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng tràm cung cấp nguyên liệu cho HTX.
Đoàn đánh giá công nhận mở rộng vùng trồng một số giống cây tràm của Bộ NN-PTNT đến thăm cơ sở sản xuất tinh dầu Thảo Nguyên tại xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Những ngày cuối cùng của chuyến công tác, đoàn chúng tôi đến Quảng Nam vào đúng ngày nắng gắt. Trên nền đất cát trắng khô cằn, những cây tràm được trồng cách đây 3 năm vẫn phát triển xanh tốt, tỏa hương thơm ngào ngạt. Vợ chồng chị chủ vườn cây khảo nghiệm rất phấn khởi khi đoàn đánh giá chúng tôi đến.
Anh chị cho biết trước đây, gia đình đã từng chưng cất tinh dầu của cây tràm gió, tuy nhiên chất lượng tinh dầu không cao, rất khó bán. Rất may từ khi Viện Cải thiện giống và Phát triển nông thôn đưa các giống cây tràm mới vào trồng khảo nghiệm tại xã Quế Mỹ (huyện Quế Sơn), cơ sở chưng cất tinh dầu Thảo Nguyên của gia đình chị như được hồi sinh. Chị khoe gia đình chị đã trồng thêm được 2ha cây tràm năm gân với các giống mới được HTX của anh Dư cung cấp.
Chị cũng mong muốn trồng thử nhiệm thêm cây tràm trà khi có nguồn cung cấp giống. Trước khi chia tay, mỗi người trong đoàn chúng tôi được anh chị tặng một lọ tinh dầu tràm trà, một loại sản phẩm đang được ưu chuộng trên thị trường trong nước và quốc tế. Món quà nhỏ nhưng chứa đựng trong đó là cả sự khát khao vươn lên, vươn xa của người dân vùng nắng và gió. Tôi tin là họ sẽ thành công.
Tràm trà và tràm năm gân là hai loài cây rừng nhập nội này có biên độ sinh thái khá rộng, chúng có khả năng thích nghi cao và sinh trưởng tốt trên vùng đất cát khô cằn tại huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) nhưng đồng thời cũng sinh trưởng tốt trên những chân ruộng trồng lúa ở thung lũng trũng thấp tại huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) hay trên đất đồi tơi xốp ở vùng Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình). Ở mỗi vùng khác nhau, các mô hình nghiên cứu cũng đã chỉ ra những giống cây trồng nào có khả năng sinh trưởng tốt nhất, cho năng suất và chất lương tinh dầu cao nhất.
----Quách Đại Ninh----