Với tấm bằng Đại học nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Dư ở xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp nhận thấy: Diện tích đất trũng lầy, trồng lúa kém hiệu quả lại khá phù hợp trồng cây tràm dược liệu cho chất lượng cao, chiết xuất ra tinh dầu hàm lượng tốt. Anh đã thành lập Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn, thu hút được 18 thành viên với diện tích trồng khoảng 6 ha tại các xã Đông Sơn, Yên Bình, TP. Tam Điệp và xã Yên Thắng, huyện Yên Mô.
Sau 14-16 tháng, cây tràm cho khai thác lá với năng suất khá cao và ổn định, tạo nên đặc trưng cảnh quan môi trường, phủ xanh vùng đất cát khô cằn.
Cây tràm trồng 1 lần có thể thu hoạch từ 20-22 năm. kết quả đạt năng suất và giá trị thu được cao hơn so với trồng lúa và các cây nông nghiệp khác.
Trên những mảnh đất sình lầy, người dân còn đầu tư thả cua, chạch, ốc vàmột số thủy sản tại ruộng tràm. Sinh thái vùng này được cải thiện theo hướng thân thiện, người dân có thể làm giàu trên vùng đất khó.
Hiện nay, cây tràm dược liệu được Hợp tác xã thu mua và chưng cất tinh dầu bằng hệ thống thiết bị hiện đại. Các sản phẩm được xuất cho các Công ty Dược phẩm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Hiệu quả từ trồng cây tràm, tận dụng vùng đất trũng, bà con nông dân các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Bình đã đăng ký tham gia vào trồng cây Tràm và cung cấp nguyên liệu cho Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn, đến nay đã phát triển lên 28 thành viên với diện tích tràm tăng gấp 2 lần so với ban đầu thành lập. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ liên kết mở rộng vùng nguyên liệu với các loại cây dược liệu mới như: hương thảo, bạc hà, húng chanh… ra huyện Yên Mô, Kim Sơn và hoàn thiện thêm máy móc chuyên sâu trong chế biến nhằm phát triển các sản phẩm tinh, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm mang thương hiệu tinh dầu Tam Điệp.
< Nguồn: Minh Nguyệt (THNB)>